Chúng ta vẫn thường nghe kể những câu chuyện người Việt thế này, người Nhật thế kia, người Mỹ thế nọ. Vậy thật ra các dân tộc có tính cách khác nhau hay không? Nếu có thì nó nằm ở đâu? Mình sẽ dẫn dắt vấn đề này từ một câu chuyện lịch sử thời xa xưa ở Trung Hoa, đưa ra lập luận khoa học, và cuối cùng là quay lại câu chuyện Việt Nam thời nay (có ghé ngang Singapore thời cận đại một tí).
Nhà Tuỳ thống nhất Trung Hoa từ Nam-Bắc triều, đưa nước Trung Hoa phát triển cực thịnh về kinh tế, xã hội, và quân sự. Sự thành công quá lớn và quá nhanh khiến cho Tuỳ Dương Đế Dương Quảng trở nên kiêu ngạo, chỉ thích nghe những lời nịnh nọt và hợp ý mình, trừng trị những ai nói ra những lời trái tai. Các trung thần người bị giết, người từ quan về quê. Các quan lại xu nịnh lại nắm quyền cao chức trọng. Phần lớn quan lại ở khúc giữa thì gió chiều nào theo chiều nó, từ từ phải dối lòng và trở nên nịnh bợ. Sự gian dối trong triều lên cao đến độ nông dân nổi lên khắp nơi, cả triều đình đều biết mà không ai dám nói cho Dương Quảng nghe vì hễ ai nói đến thảo khấu nổi loạn là Dương Quảng đều giết. Dương Quảng chỉ biết đến các cuộc nổi loạn khi … loạn quân vào trong cung giết ông.
Như vậy có thể nói là người Hoa có tính gian dối không?
Khi Tuỳ mạt, nhà Đường lên thay, Lý Thế Dân phải sử dụng lại rất nhiều quan lại của triều Tuỳ để vận hành nhà Đường vì không đủ người. Người theo Lý Thế Dân khởi nghĩa chủ yếu là võ tướng. Ông không đủ văn nhân để cai trị đất nước nên phải sử dụng rất nhiều quan văn của nhà Tuỳ để lại. Cũng các con người đó, trong thời nhà Tuỳ thì gian dối xu nịnh, nhưng khi làm việc dưới triều Đường thì lại đàng hoàng thành thật vì Lý Thế Dân rất ghét xu nịnh, lại hay khen thưởng những người dám thẳng thắn can ngăn ông những quyết sách không đúng.
Tại sao những quan lại đó xu nịnh gian dối thời Tuỳ mà lại thẳng thắn thành thật trong thời Đường?
Về mặt di truyền học, chúng ta không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy dân tộc này lại thật thà hơn dân tộc khác cả. Về tâm lý học hành vi, chúng ta cũng không có chứng cứ cho thấy sự khác biệt giữa các dân tộc về cách tư duy (cognition) hay phát triển cảm xúc (emotion). Tuy các dân tộc không khác nhau về tổng thể, nhưng các cá nhân có khác nhau theo phân phối chuẩn (hình 2). Ví dụ như tính thật thà, có một số ít cá thể rất thật thà (phía bên phải của phân phối) và một số ít cá thể rất không thật thà (phía bên trái của phân phối), nhưng phần lớn dân số là có khi thật thà, có khi không, tuỳ vào hoàn cảnh (ở giữa phân phối).
Khi điều kiện xã hội có lợi cho tính thật thà (xã hội A) thì thiểu số rất thật thà trở nên thành công và có những vị trí quan trọng trong xã hội. Thiểu số rất không thật thà trở nên nghèo khổ và bị xã hội cho ra rìa. Phần đa số ở giữa thì nhìn vào thành công của thiểu số rất thật thà và sự thất bại của thiểu số rất không thật thà và họ học theo thiểu số rất thật thà để thành công, dần dần họ trở nên thật thà theo. Nhìn vào xã hội này sẽ thấy rất nhiều thật thà.
Khi điều kiện xã hội có lợi cho tính gian dối (xã hội B) thì thiểu số rất gian dối trở nên thành công và có những vị trí quan trọng trong xã hội. Thiểu số rất thật thà trở nên nghèo khổ và bị xã hội cho ra rìa. Phần đa số ở giữa thì nhìn vào thành công của thiểu số rất gian dối và sự thất bại của thiểu số rất thật thà và họ học theo thiểu số rất gian dối để thành công, dần dần họ trở nên gian dối theo. Nhìn vào xã hội này sẽ thấy rất nhiều gian dối.
Như vậy, sự khác biệt của xã hội A và xã hội B không nằm ở yếu tố di truyền cũng như tâm lý học hành vi, mà nằm ở điều kiện xã hội. Cùng một dân tộc, cùng một đất nước, chỉ cần điều kiện xã hội khác đi thì có thể biến từ A thành B và từ B thành A. Do đó chúng ta nên bỏ đi cái khái niệm “dân tộc tính” vì nó vừa phản khoa học vừa không văn minh vì mang tính phân biệt chủng tộc, điều mà thế giới văn minh đã từ bỏ gần trăm năm rồi.
Chúng ta cũng phải bỏ luôn các lập luận đổ thừa cho “dân tộc tính” vì nó chỉ là hệ quả của điều kiện xã hội, chứ không phải nguyên nhân. Việc lập luận rằng các “dân tộc tính” tạo ra điều kiện xã hội vừa phản khoa học vừa mang tính đổ thừa vừa đi vào bế tắc vì nó không giúp chúng ta thay đổi. Thay vào đó, nếu chúng ta tiếp cận nó một cách khoa học, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nó. Câu chuyện thời Tuỳ-Đường ở trên là một ví dụ. Một ví dụ gần đây hơn nữa là ở Singapore. Khi tách ra khỏi Malaysia, Singapore có một xã hội kém văn minh, tham nhũng tràn lan. Nhưng sau khi chính phủ Lý Quang Diệu thực thi luật pháp nghiêm minh, trong một thời gian ngắn, Singapore trở thành một xã hội trật tự ngăn nắp, văn minh, và trong sạch hơn hẳn Malaysia.
Quay về câu chuyện Việt Nam. Điều kiện xã hội Việt Nam đang rất thuận lợi cho việc gian dối. Chúng ta có thể thấy việc gian dối xảy ra khắp mọi nơi. Từ trong trường học ra ngoài xã hội (hình 1). Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Vì sao? Vì sự gian dối không bị trừng phạt mà còn được tưởng thưởng bằng thành công, địa vị. Xin đừng đổ thừa cho “dân tộc tính” vì như vậy vừa phản khoa học, vừa độc ác vì nó chặn đứng mọi nỗ lực thay đổi theo hướng tốt đẹp. Người Việt Nam về di truyền, về tâm lý hành vi cũng như các dân tộc khác thôi, cũng có một thiểu số rất thật thà, một thiểu số rất gian dối, và đại đa số ở giữa. Chỉ cần chúng ta thay đổi điều kiện xã hội để nhóm thiểu số thật thà thành công và nhóm thiểu số gian dối ra rìa. Đại đa số ở giữa sẽ từ bỏ gian dối mà quay về với thành thật mà thôi.
Thành thật-gian dối chỉ là một ví dụ mà thôi. Các phân tích trên có thể áp dụng vào tất cả các “tính cách” khác của người Việt Nam. Hãy ngừng đổ thừa cho “dân tộc tính” và bắt tay vào hành động.
by Nga Ho-Dac
Please ‘like’ the Facebook page or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.
Please click on the tags below to find similar articles.