by Nga Ho-Dac
Khi Times Higher Education công bố xếp hạng các trường đại học, Việt Nam không có trường nào lọt vào 350 trường ở châu Á. Các trường đại học Việt Nam nhận được rất nhiều chỉ trích. Có thể phân loại các chỉ trích làm 3 nhóm:
- Những người trong ngành giáo dục Việt Nam chỉ trích các trường để cố gắng chứng tỏ rằng, đây không phải là lỗi của họ.
- Những người ngoài ngành chỉ trích các trường để cố gắng chứng tỏ rằng, Việt Nam kém phát triển không phải là lỗi của họ mà của ngành giáo dục.
- Những người đang hoặc đã từng làm việc hoặc học tập ở nước ngoài chỉ trích để cố gắng chứng tỏ rằng, họ hay hơn, giỏi hơn các đồng nghiệp trong nước.
Nhưng mình chưa thấy ai phân tích được rằng tiêu chí xếp hạng của Times Higher Education có phải là mục tiêu của các trường ở Việt Nam hay không. Nếu các trường Việt Nam không lấy đó là mục tiêu thì việc họ xếp hạng thế nào không phải là tiêu chí để đánh giá họ. Ví dụ như: Nếu mục tiêu của 1 công ty là phát triển thì không thể lấy lợi nhuận ra để đánh giá mà phải dùng tiêu chí phát triển thị trường, sản phẩm, hay công nghệ để đánh giá. Muốn đánh giá các trường Việt Nam thì phải đánh giá theo mục tiêu của họ.
Quan trọng hơn là, các trường Việt Nam có nên lấy các tiêu chí xếp hạng đó làm mục tiêu hay không? Các trường Việt Nam nên xác định mục tiêu là có nhiều bài báo nổi tiếng, hay nên xác định mục tiêu là đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho việc phát triển đất nước trong một hoàn cảnh cụ thể.
Nhiều người lập luận rằng để dạy giỏi thì giáo sư phải làm nghiên cứu. Điều này đúng nhưng không phải là quan hệ một-một: giáo sư càng có nhiều bài báo thì sinh viên càng có được việc làm tốt. Ví dụ như trong 20 trường đại học có sinh viên được các công ty hàng đầu ở Thung Lũng Silicon như Google, Facebook, Uber, Twitter, LinkedIn… tuyển dụng nhiều nhất, có nhiều trường không được xếp hạng cao trong Times Higher Eduction. San Jose State University là trường hàng đầu trong danh sách tuyển dụng, nhưng có xếp hạng trong Times Higher Education khá thấp. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam nên có nhiều trường như San Jose State University hay nhiều trường được xếp hạng cao ở Times Higher Education?
Nên nhớ rằng, để có được nhiều bài báo nổi tiếng đủ để lọt vào các trường hàng đầu của Times Higher Education, cần phải đầu tư rất nhiều tiền. Stanford, trường được xếp hạng thứ 3 ở Times Higher Education nhưng có sinh viên được tuyển dụng bởi Thung Lũng Silicon nhiều thứ 4, chi khoản 5.9 tỷ đô la Mỹ trong 1 năm. Trong khi đó San Jose State chỉ cần có 357 triệu đô trong 1 năm để trở thành trường có nhiều sinh viên được tuyển dụng bởi Thung Lũng Silicon nhất.
Để có tiền đầu tư vào những trường như Stanford, đòi hỏi nền kinh tế phải đủ lớn. Đồng thời, khi nền kinh tế lớn như vậy, thành quả nghiên cứu của những trường này mới có khả năng được sử dụng hiệu quả. Việt Nam có nền kinh tế như thế nào? Có đủ để tham gia vào cuộc đua? Và quan trọng hơn là, nền kinh tế Việt Nam và các công ty Việt Nam có khả năng sử dụng những thành quả nghiên cứu này hay không?
Tóm lại là trước khi nói đến chuyện Việt Nam không có trường nào nằm trong danh sách Tines Higher Education, chúng ta phải làm rõ, chúng ta có nên và có khả năng làm chuyện đó hay không! Hay là chúng ta nên tập trung vào xây dựng những trường như San Jose State University, những trường không cần kinh phí cao nhưng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.