Sau 2 năm dạy hai lớp cao học ở Phần Lan, mình nhận ra một điều là, sinh viên trong lớp mình dạy khá thụ động. Năm đầu tiên, mình nghĩ là trường hợp cá biệt, sang đến năm thứ hai thì mình nhận ra có cái gì đó mang tính hệ thống. Mình có mang vấn đề này ra thảo luận với các đồng nghiệp ở Phần Lan và được xác nhận rằng đó là vấn đề chung của sinh viên Phần Lan. Điều này làm mình rất ngạc nhiên vì mình vẫn được đọc trên báo chí cả ở Việt Nam và Mỹ khen ngợi nền giáo dục Phần Lan là ưu việt. Nghe nói có nhiều “nhà giáo dục” còn đòi du nhập phương pháp giáo dục Phần Lan về Việt Nam như là một quốc sách?!
Mình hỏi các đồng nghiệp của mình là các giáo sư đại học ở Phần Lan, tại sao mình nghe nói nền giáo dục Phần Lan ưu việt như vậy mà sinh viên cao học lại thụ động như thế. Trong các lý giải mà mình nghe được, lý do vui nhất có lẽ là: tại lạnh quá 🙂 Còn lý do mà mình thấy hợp lý nhất là, tại vì nền giáo dục phổ thông tiên tiến mà mình nghe nói chỉ mới được áp dụng cách đây khoảng 10 năm. Do đó, các sinh viên cao học vẫn còn chịu ảnh hưởng của nền giáo dục cũ.
Nếu điều này là đúng thì khoảng 2 đến 3 năm nữa, lứa sinh viên đầu tiên được thụ hưởng nền giáo dục phổ thông kiểu mới sẽ vào đại học. Câu hỏi mà mình đặt ra là, liệu các trường đại học Phần Lan sẽ thay đổi như thế nào để đón nhận lứa sinh viên này? Các đồng nghiệp Phần Lan của mình có lẽ cũng hơi bất ngờ khi nhận được câu hỏi này! Thế liệu thế hệ sinh viên mới này sẽ thành công trên đại học không? Và quan trọng hơn nữa, các bạn ấy sẽ thành công sau khi tốt nghiệp để đi làm hay không?
Có lẽ ngay cả bộ giáo dục Phần Lan cũng chưa có những câu trả lời này. Thế thì mình không hiểu, dựa vào điều gì mà các “nhà giáo dục” của ta lại mong muốn du nhập nó vào Việt Nam?
Nên nhớ là, Phần Lan chỉ có năm triệu rưỡi dân, chỉ bằng 5,5% dân số Việt Nam. Với dân số nhỏ như vậy thì việc thử nghiệm những cái mới dễ dàng hơn nhiều. Và khi cần, sự điều chỉnh cũng sẽ rất linh hoạt. Với một dân số lớn hơn gần gấp 20 lần và một bộ máy quản lý cồng kềnh như Việt Nam, những thử nghiệm như vậy sẽ là thảm hoạ vì không thể điều chỉnh.
Thêm vào đó, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, địa lý của Việt Nam cũng khác xa Phần Lan. Những kỹ năng cần thiết cho một học sinh khi ra trường chưa chắc là giống nhau. Nếu chưa hiểu rõ những sự khác biệt đó, bắt chước rập khuôn có thể trở thành thảm hoạ.
Có lẽ, ai cũng thấy rằng nền giáo dục Việt Nam có nhiều vấn đề. Nhưng để giải quyết những vấn đề đó, các nhà giáo dục thật sự cần nghiên cứu kỹ về bản chất của các vấn đề đó để tìm ra giải pháp phù hợp. Bắt chước rập khuôn từ một mô hình nào đó thì chỉ làm giàu cho các “nhà giáo dục” mà thôi. Thế hệ tương lai sẽ lại một lần nữa lãnh đủ.
P.S. Sau cuộc thảo luận này là màn ném đá bộ giáo dục Phần Lan của các giáo sư. Cũng lên bờ xuống ruộng lắm chứ chẳng chơi!
by Nga Ho-Dac
Please ‘like’ the Facebook page or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.
Please click on the tags below to find similar articles.