Năm 2002, lần đầu tiên cho sinh viên khoa Quản Lý Công Nghiệp trường Bách Khoa trình bày trong lớp. Sau bài trình bày mình hỏi cả lớp có ý kiến gì không. Thế là một đống gạch đá bay đến nhóm trình bày 🙁 mình nghe mà xót cả ruột. Sau đó mình phải bỏ bài giảng để thuyết phục cả lớp sử dụng cách góp ý theo kiểu bánh mì kẹp thịt (sandwich feedback), 2 lớp bánh mì là khen, lớp thịt ở giữa là góp ý xây dựng. Trước hết phải khen người ta cái gì đó (1) là để thể hiện mình thấy được giá trị của việc họ làm (2) là để giảm những rào cản tâm lý phòng thủ để họ dễ tiếp nhận góp ý sau đó. Phần ở giữa là góp ý xây dựng, nói cho họ biết làm thế nào để tốt hơn. Phần cuối là khen ngợi về tổng thể những gì họ làm và thể hiện mong muốn họ sẽ làm tốt hơn. Từ đó mình quy định, trong lớp phải sử dụng bánh mì kẹp thịt.
Đến nhóm thứ 2 thuyết trình xong, mình hỏi cả lớp góp ý. Cả lớp im phăng phắc. Mình hỏi tại sao? Sinh viên trả lời: khó quá, em kiếm mãi không ra cái gì để khen!?!? Thứ 2 là, chê thì dễ chứ góp ý để làm tốt hơn cũng khó quá, không biết phải làm sao?!?! Mình phải làm thêm 1 bài về các cách để khen người khác và 1 bài về góp ý tích cực (constructive feedback). Sau đó những góp ý trong lớp đều là bánh mì kẹp thịt. Mới đầu thì rất buồn cười nhưng kỹ năng của các em cải thiện nhanh chóng và không khí trao đổi trong lớp ngày càng tích cực và hiệu quả. Kết thúc học kỳ, điều mình tự hào nhất là sinh viên trong lớp đó chỉ sử dụng bánh mì kẹp thịt mà không sử dụng gạch đá nữa. Sau này mình đề nghị khoa cho mình phụ trách môn giao tiếp trong kinh doanh. Mình thay đổi chương trình theo hướng thực hành. Một trong những mục tiêu môn học là làm cho sinh viên không sử dụng gạch đá mà chỉ sử dụng bánh mì kẹp thịt.
Sử dụng gạch đá thì dễ, ai cũng làm được, còn bánh mì kẹp thịt thì phải học hỏi và rèn luyện mới sử dụng được.
P.S. Các thể loại bánh mì kẹp
Về cơ bản bánh mì kẹp (sandwich) có 2 lớp bánh mì ở ngoài và lớp nhân ở giữa. Lớp nhân có thể là thịt, cá, hoặc rau, phô mai, bơ, … Nhưng nó có thể có nhiều biến thể khác như tùy theo khẩu vị và văn hóa ẩm thực: double sandwich có 3 lớp bánh mì và 2 lớp nhân, protein style chỉ có nhân và rau mà không có bánh mì, wrap sandwich là bánh mì mỏng cuộn nhân ở giữa, … Khi đẳng cấp lên cao thì có thể làm nhiều loại sandwich khác nhau để hợp khẩu vị của từng khách hàng. Nhưng điều này cần 3 thứ: hiểu biết các thể loại thực khách, hiểu biết tính chất các thành phần của sandwich, và hiểu biết cách kết hợp các thành phần thích hợp.
Nghề ăn cũng lắm công phu 😀 Hôm qua mới ăn Mediterranean sandwich. Ai đi Miami nhớ ăn Cuban sandwich. Nói ra lại thấy thèm Crabcake sandwich ở Baltimore.
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.
Views: 2,840
Related