by Nga Ho-Dac
Có bao giờ bạn cảm thấy rằng mình đã nói hay viết rất đúng, nhưng người nghe hay đọc lại không hiểu đúng ý của bạn? Có nhiều lý do có thể dẫn đến tình trạng này. Một trong những lý do đó là …. À hay là mình hãy làm một ví dụ nhé. Bạn hãy đọc thử xem bạn hiểu câu chuyện sau đây như thế nào!
Cách 1: “Có 1 viên gạch màu đỏ. Bên phải của nó có 1 viên gạch màu đỏ. Bên trái của nó có 1 viên gạch màu đỏ. Phía trên nó có 1 viên gạch màu đỏ. …….. và cuối cùng là một viên gạch màu đỏ.”
Theo bạn tôi đang mô tả cái gì vậy? Để tôi mô tả lại một cách khác nhé.
Cách 2: “Có 1 ngôi nhà xây bằng gạch đỏ rộng 4m dài 20m. Nhà có 2 phòng ngủ, 1 phóng khách, 1 nhà bếp, và 1 phòng tắm. Phòng khách rộng 4mx5m …”
Bây giờ bạn biết tôi mô tả cái gì rồi phải không! Trong khi đó, rất khó để bạn hình dung ra là tôi đang tả cái gì ở cách 1. Một cách kỹ thuật thì cách 1 không sai. Sau khi mô tả đủ các viên gạch và các chi tiết khác thì có thể nói tôi mô tả rất đúng. Nhưng người đọc không thể hình dung ra được. Đây là một vấn đề rất hay gặp trong giao tiếp. Chúng ta diễn tả từng chi tiết một rất đúng. Thế nhưng người nghe hay đọc lại không thể hiểu vì họ không thể liên kết những chi tiết đó lại để có được 1 cái nhìn tổng quan. Do đó, khi nói hay viết, chúng ta không nên mô tả từng chi tiết một mà nên mô tả từ tổng quan rồi mới đi dần vào chi tiết cũng như vị trí của từng chi tiết đó trong tổng quan như thế nào. Đừng bao giờ mặc định mình đã nói (viết) đúng thì người nghe (đọc) sẽ hiểu đúng.
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.