by Nga Ho-Dac
Ngôn ngữ thật không công bằng. Nhiều từ ngữ mang tiếng xấu hơn là bản chất của nó. “Rào cản” là một trong số đó. Khi nói đến “rào cản”, chúng ta cảm thấy một điều gì đó tiêu cực, cản trở lại sự tiến bộ, phát triển. Nhưng thật ra rào cản có giá trị của nó. Vâng, nó cản trở chúng ta làm ra những việc có hại cho chính chúng ta và cho người khác. Ví dụ như rào cản chắn xe ở giao lộ với đường sắt. Đúng là nó cản trở giao thông của xe máy và xe hơi, nhưng nó làm vậy là để tránh tai nạn giao thông với xe lửa. Điều gì xảy ra nếu chúng ta phá bỏ rào cản này?
Ví dụ này minh họa cho giá trị của rào cản và tác hại của việc phá bỏ nó. Bản thân việc phá bỏ những rào cản không phải là tiến bộ hay sáng tạo, mà là phá hoại. Sự tiến bộ hay sáng tạo không đến từ việc phá bỏ những rào cản, mà đến từ việc tìm ra giải pháp làm cho rào cản đó không còn cần thiết nữa. Ví dụ như khi chúng ta đưa đường sắt lên cao hay xuống hầm. Khi đó không còn giao lộ giữa đường sắt và đường bộ nữa, rào cản ở đường bộ không còn cần thiết nữa. Giao thông sẽ thông thoáng hơn. Việc này mới là tiến bộ và sáng tạo thực sự.
Trong khi giá trị của những rào cản vật lý là dễ nhìn thấy. Giá trị của những rào cản xã hội thì phức tạp và khó nhận biết hơn rất nhiều. Đó chính là điều nguy hiểm. Nếu chúng ta vì thiếu hiểu biết, không nhận ra giá trị của chúng mà cứ nhân danh tiến bộ và sáng tạo mà hô hào phá bỏ những rào cản này mà không nhận thức được giá trị của chúng thì đó chính là phá hoại chứ không phải tiến bộ. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được giá trị của những rào cản và tìm ra giải pháp thay thế làm cho rào cản đó không còn cần thiết nữa, chúng ta mới tạo ra sự tiến bộ xã hội thực sự. Ranh giới giữa phá hoại và tiến bộ là mong manh nhưng đó chính là sự khác biệt giữa “trí” và “cuồng”.
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.