by Nga Ho-Dac
Tí và Tèo là hai bạn thân lớn lên ở miền Trung. Hai bạn nhận thấy thị trường đang có nhu cầu cá sạch và nhu cầu này sẽ ngày càng nhiều. Thế là Tí và Tèo rủ nhau khởi nghiệp để đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên Tí và Tèo có quá nhiều khác biệt nên 2 bạn quyết định làm riêng.
Giải pháp của Tí là thu mua cá ở những vùng biển sạch, kiểm định hàm lượng độc chất và phân loại cá trước khi bán để bảo đảm nguồn cá sạch. Tí bắt đầu bằng 1 trung tâm thu mua và kiểm định cá. Vì kế hoạch kinh doanh tốt và ít rủi ro nên Tí vay được tiền ngân hàng để mở 1 trung tâm đầu tiên. Tí thâm nhập thị trường từ từ nhưng vững chắc từ những siêu thị cao cấp gần trung tâm. Để quản lý công ty này, Tí thuê những nhà quản lý bảo thủ. Những người không những quan tâm đến doanh thu mà còn kiểm soát chi phí chặt chẽ để có lợi nhuận ngay những năm đầu tiên. Tổ chức trong công ty theo phòng ban rõ ràng để phân rõ trách nhiệm và chuyên môn hóa cho từng nghiệp vụ. Sau 5 năm, Tí vay thêm vốn ngân hàng để mở thêm 2 trung tâm như vậy ở miền Bắc và miền Nam. Cứ như thế Tí mở rộng kinh doanh một cách từ từ nhưng vững chắc.
Tèo lại có 1 cách tiếp cận khác. Tèo biết một số nhà khoa học đang phát triển các công nghệ thay đổi gene của tảo để sản xuất ra proteins của các loại cá, công nghệ ép các proteins này thành những miếng cá phi lê. Tèo kêu gọi những người này cùng Tèo lập ra 1 nhóm để nghiên cứu sản xuất ra phi lê cá sạch từ tảo. Vì cơ may thành công là không cao và tương lai quá rủi ro, Tèo không thể vay vốn ngân hàng mà phải đi tìm các nhà đầu tư mạo hiểm. Để quản lý công ty này, Tèo thuê những nhà quản lý mềm dẻo, sáng tạo, có khả năng ứng biến cao. Những người này tổ chức công ty theo những nhóm làm việc hữu cơ mà không có phân chia phòng ban rõ ràng vì công việc đòi hỏi tính sáng tạo và thích nghi rất nhanh. Khi làm ra những sản phẩm thử nghiệm thành công, Tèo lại gặp 2 vấn đề rất lớn: (1) Đưa vào sản xuất hàng loạt sản phẩm này đòi hỏi đầu tư rất lớn vào dây chuyền sản xuất từ nuôi tảo, tách chiết proteins, cho đến ép lại thành phi lê cá; (2) Liệu thị trường có chấp nhập loại sản phẩm cá từ tảo này hay không? Nếu có thì có đủ lớn để có đáp ứng được đầu ra của dây chuyền sản xuất hay không? Nếu không đủ lớn thì chi phí sẽ rất cao và không thể có lời.
Để giải quyết các vấn đề này, Tèo phải áp dụng một loạt biện pháp khác nhau. Tèo phải tiếp tục huy động vốn đầu tư mạo hiểm để xây dựng dây chuyền sản xuất cá từ tảo. Làm marketing tổng lực để người tiêu dùng chấp nhận loại sản phẩm cá mà không phải cá này. Trong thời gian đầu, do sức tiêu thụ còn ít, chi phí sản xuất rất cao, Tèo phải chịu lỗ trong 1 thời gian dài với hy vọng một ngày nào đó, thị trường tiêu thụ đủ mạnh để chi phí sản xuất thấp hơn giá bán mà người tiêu dùng chấp nhận được. Khác với Tí có thể phát triển thị trường từ từ và hoàn toàn có thể tồn tại với 1 thị phần nhỏ bé. Tèo phải có được 1 thị trường rất lớn nếu không sẽ phá sản.
Rồi cũng đến 1 ngày, Tí và Tèo đều thành công. Tí và Tèo quyết định viết sách chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn khởi nhiệp khác. Từ đó 2 phương pháp khởi nghiệp này được lưu truyền. Thay vì phải kể 1 câu chuyện dài như thế này, bạn chỉ cần nói phương pháp Tí hay phương pháp Tèo là mọi người hiểu là làm như thế nào. Đương nhiên bạn cũng có thể đặt tên là phương pháp X hay phương pháp Y. Nhưng như thế thì người khác sẽ không hiểu bạn nói gì trừ khi bạn phải kể lể dài dòng câu chuyện này.
À, mà điều quan trọng nhất là bạn phải biết rõ mình muốn làm theo Tí hay theo Tèo. Nếu đọc lộn sách thì hậu quả cũng khó lường đấy. Đương nhiên tốt nhất là bạn nên đọc cả hai mà áp dụng cho phù hợp chứ đừng rập khuôn vì phần lớn trường hợp là bạn sẽ làm đâu đó ở giữa 2 phương pháp này.
Chúc các bạn thành công!
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.