Visa H-1B: Các biện pháp “lách luật” của chính phủ, đại học, và doanh nghiệp

by Đinh Công Bằng

VisaMỗi năm Quốc hội Mỹ cho phép 65,000 người nước ngoài có bằng đại học trở lên gia nhập thị trường lao động. Ngoài ra những ai vừa tốt nghiệp cao học và tiến sỹ ở Mỹ được vào một chương trình H-1B dành riêng cho họ với tổng số 20,000 visa. Thị trường lao động cao cấp của Mỹ phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính, đã dẫn đến số hồ sơ xin visa H-1B hàng năm nhiều gấp ba lần so với mức quota hiện thời. Khả năng Quốc hội Mỹ tăng mức quota H-1B trong thời gian tới là rất thấp trước làn sóng cử tri đang mạnh mẽ ủng hộ các ứng cử viên bảo hộ lao động Mỹ trong mùa bầu cử 2016. Trước tình hình đó chính phủ, đại học, và các doanh nghiệp đã tìm ra những biện pháp lách luật để tuyển và giữ lao động nước ngoài. Sau đây là một số:

1. Chính phủ Mỹ, cụ thể là Sở Di trú (USCIS) không có quyền tạo một loại visa mới hay thay đổi hạn mức quo ta của H-1b, vì đó là chức năng của Quốc hội, nhưng có thể kéo dài thời hạn một loại visa cụ thể. Vì thế từ năm ngoái (2015), Sở di trú/Bộ Nội An đã cho phép sinh viên các ngành khoa học/công nghệ (STEM) được thực tập đến 36 tháng sau khi tốt nghiệp (https://www.uscis.gov/working-united-states/students-and-exchange-visitors/students-and-employment/stem-opt). Đây là một biện pháp giữ thêm người nước ngoài trong thị trường lao động chất lượng cao.

2. Một số trường đại học đang có 2 biện pháp giữ sinh viên quốc tế ở lại làm việc (2.1). Luật cho phép sinh viên quốc tế làm việc không lương trong thời gian OPT. Vì thế một số trường mở các vị trí tình nguyện để sinh viên (F1 visa) mới tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc dùng thời gian OPT làm việc không lương cho trường. Sinh viên có thể dùng thời gian này để tiếp tục phỏng vấn và tìm việc bên ngoài. (2.2). Một số trường liên kết với các tổ chức và doanh nghiệp mở các chương trình dành cho sinh viên mới tốt nghiệp có năng lực công nghệ cao và có ý tưởng làm start-up. Sinh viên tham gia các chương trình này được tuyển bởi trường đại học chứ không phải là doanh nghiệp, vì thế họ được miễn khỏi hạn mức quota hàng năm của visa H-1B. Mức quota hàng năm chỉ áp dụng cho doanh nghiệp chứ không áp dụng vào nhân viên và giáo sư nước ngoài ở các trường đại học (http://masstech.org/innovation-institute/projects-and-initiatives/global-entrepreneur-residence-pilot-program).

3. Gần đây các doanh nghiệp đa quốc gia tăng cường sử dụng visa L-1 để tuyển người nước ngoài vào Mỹ trong đó có cả sinh viên. L-1 là loại visa không có hạn mức dành cho việc luân chuyển nhân viên đã có ít nhất 01 năm công tác giữa các chi nhánh quốc gia trong các công ty đa quốc gia. Để tuyển sinh viên/nhân viên quốc tế đang bị kẹt hạn mức H-1B, các công ty này đưa họ vào làm việc tại các chi nhánh Canada hoặc Ấn độ trong thời gian một năm. Sau đó công ty dùng visa L-1 để chuyển vùng nhân viên từ Canada hoặc Ấn độ vào Hoa kỳ. Để “tiếp tay” cho các doanh nghiệp lách luật, chính phủ Obama hiện đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hồ sơ visa L-1 (http://www.computerworld.com/article/2902277/it-outsourcing/white-house-making-it-easier-to-get-an-l-1-visa.html)

4. Những sinh viên quốc tế sáng giá có bằng cao học và tiến sỹ có thể dùng visa O-1 để làm việc trong trường hợp họ bị hạn chế về nước 2 năm của visa J1, hoặc bị hết hạn OPT của visa F-1 nhưng lại không gặp may trượt xổ số H-1B trong lần nộp hồ sơ cuối cùng. Trong những năm gần đây cả chính phủ của tổng thống Bush và Obama đều tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hồ sơ visa O-1. Vì thế nếu ai xem mô tả visa O-1 theo tài liệu của luật sẽ thấy visa này rất khó xin được. Tuy nhiên trong thực tế cho thấy visa O-1 ngày càng được dùng nhiều bởi sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp sau đại học ở Mỹ (http://www.metrocorpcounsel.com/articles/30120/o-1-visa-not-just-artists-anymore)

Disclaimer: This is a guest post. The views and opinions expressed in this article are those of the author(s) and do not necessarily reflect the position of the web owner.

Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.