by Nga Ho-Dac
Trong bài trước, chúng ta đã biết win-win là có thể đạt được. Tuy nhiên, để đạt được một giải pháp win-win đòi hỏi hai bên phải tin tưởng lẫn nhau và phải chia sẻ cũng như nỗ lực rất nhiều trong việc tìm ra giải pháp. Nhiều khi chi phí cho những chuyện này vượt quá lợi ích của một trong hai bên hoặc là cả hai thì rõ ràng là việc cộng tác để tìm ra giải pháp win-win là không tối ưu. Do đó, không phải lúc nào chúng ta cũng nên tìm kiếm giải pháp win-win mà còn tùy vào 2 khía cạnh: (a) Mức độ quan trọng của giao dịch hay vấn đề cần giải quyết; và (b) Mức độ quan trọng của mối quan hệ giữa hai bên. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra 5 phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề:
- Nếu giao dịch (vấn đề) và mối quan hệ đều rất quan trọng thì việc cộng tác để tìm ra giải pháp win-win là có lợi.
- Nếu giao dịch (vấn đề) là rất quan trọng nhưng mối quan hệ không quan trọng thì chúng ta sẽ chọn giải pháp cạnh tranh, sử dụng sức mạnh và những ưu thế khác để đạt được mục đích mà không cần quan tâm đến lợi ích của bên kia. Ví dụ như một nhà quản lý của Formosa phát biểu: “Chọn cá hay chọn thép” là một ví dụ cho giải pháp này. Họ không cần quan tâm đến lợi ích môi trường của người Việt Nam vì họ nghĩ họ có sức mạnh để chiến thắng. Khi thấy đối phương sử dụng biện pháp cạnh tranh, bạn biết rằng họ không coi trọng mối quan hệ với bạn. Do đó, hy vọng vào việc hợp tác win-win là không khả thi. Lúc đó bạn có 2 chọn lựa: hoặc là cạnh tranh (nếu chúng ta thấy vấn đề đó là quan trọng) hoặc là né tránh (nếu chúng ta thấy vấn đề đó không quan trọng).
- Nếu giao dịch (vấn đề) không quan trọng nhưng mối quan hệ thì quan trọng thì tốt nhất chúng ta nên nhượng bộ để đỡ mất thời gian và sử dụng nó để củng cố 1 mối quan hệ tốt và lâu dài sẽ có lợi hơn là cố gắng win-win (chẳng để làm gì) hay cạnh tranh (chẳng để làm gì mà còn mất đi 1 mối quan hệ tốt).
- Nếu giao dịch (vấn đề) và mối quan hệ đều quan trọng nhưng không quá quan trọng thì chúng ta có thể chọn giải pháp thỏa hiệp, mỗi bên nhường 1 bước cho nó nhanh và ít tốn kém, sẽ có lợi hơn là cố gắng cộng tác win-win vì chi phí khi đó có khi còn cao hơn lợi ích đạt được.
- Nếu giao dịch (vấn đề) và mối quan hệ đều không quan trọng thì né tránh là giải pháp tốt nhất, cho nó lành 🙂 hơi đâu!
Đây chính là 5 phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta vận dụng hợp lý thì sẽ có lợi hơn là lúc nào cũng cố gắng tìm giải pháp win-win.
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.