by Nga Ho-Dac
Thu nhập thụ động là một khái niệm nghe rất hấp dẫn. Nhưng thật sự thu nhập thụ động là gì? Tại sao có tên gọi đó? Làm sao để tối ưu thu nhập thụ động? Làm thế nào để hơn Donald Trump?
Thu nhập thụ động là thu nhập có được không từ sức lao động (hoặt đòi hỏi rất ít sức lao động). Ngược lại với thu nhập thụ động là thu nhập chủ động, chính là thu nhập từ sức lao động (trí óc và tay chân). Nhưng sự phân loại này bị chỉ trích rất nhiều do tạo ra nhiều sự hiểu lầm là thu nhập thụ động “tốt” hơn thu nhập chủ động vì đòi hỏi ít hơn. Thật ra không có thu nhập nào có được từ không có gì cả. Thu nhập thụ động không đến từ sức lao động (labor) nhưng đến từ vốn (capital). Do đó, các sách vở chính quy thường gọi thu nhập từ vốn (capital) thay cho thu nhập thụ động và thu nhập từ sức lao động (labor) thay cho thu nhập chủ động. Có lẽ đây là cách gọi chính xác hơn.
Vậy làm sao để có thu nhập thụ động, hay chính xác hơn là thu nhập từ vốn? Bạn cần 3 yếu tố: vốn, thời gian, và suất thu lợi. Công thức tính sự phát triển của vốn theo thời gian là: (1+suất thu lợi)thời gian. Ví dụ: nếu suất thu lợi là 10% một năm thì sau 5 năm, vốn của bạn sẽ tăng trưởng (1+0.1)5 = 1.61 lần hay là 1.61 – 1 = 61%.
Bạn có thể sử dụng công thức này để lên kế hoạch tài chính cá nhân. Ví dụ: nếu bạn muốn có 1 triệu đô khi về hưu vào 40 năm nữa thì bây giờ bạn cần bao nhiêu vốn? Nếu suất thu lợi là 10%, công thức là: vốn*(1+0.1)40 = 1,000,000
→ vốn*45.26 = 1,000,000
→ vốn = 1,000,000/45.26 = 22,095.
Nếu bạn có 50 năm thì bạn chỉ cần số vốn ban đầu là 1,000,000/117.39 = 8,518.
Trong 3 yếu tố: vốn, thời gian, và suất thu lợi, bạn chỉ có thể học được về suất thu lợi từ người khác. Vốn và thời gian là của bạn. Nếu bạn tăng suất thu lợi được từ 10%/năm lên 12%/năm, với số vốn ban đầu 8,518 như ở trên, sau 50 năm bạn sẽ có 8,518*(1+0.12)50 = 2,461,720. Vậy bạn chỉ cần học được cách tăng suất thu lợi từ 10%/năm lên 12%/năm, sau 50 năm tài sản của bạn nhiều hơn đến 1,461,720.
Tuy nhiên suất thu lợi tăng lên thì rủi ro trong đầu tư cũng tăng lên. Trong thế giới tài chính, suất thu lợi và rủi ro luôn đồng hành với nhau. Lý do là nếu có cơ hội đầu tư nào rủi ro thấp và suất thu lợi cao thì mọi người sẽ đổ xô vào đầu tư, điều này dẫn đến suất thu lợi giảm đi và rủi ro tăng lên, mọi người sẽ tiếp tục đầu tư vào đó cho đến khi đạt được sự cân bằng giữa suất thu lợi và rủi ro. Do đó bạn chỉ có thể duy trì được suất thu lợi cao mà rủi ro thấp khi bạn có một sự độc quyền nào đó mà người khác không thể có được. Nếu bạn không có sự độc quyền nào, bạn phải chấp nhận quy luật cạnh tranh, suất thu lợi đi đôi với rủi ro.
Như vậy thu nhập từ vốn (thu nhập thụ động) được quyết định bởi những yếu tố đã đề cập ở trên: vốn, thời gian, và suất thu lợi (đi kèm với rủi ro).
1. Vốn: trừ khi bạn được người khác cho tiền, bạn phải đi làm để có thu nhập từ sức lao động trước và để dành càng nhiều càng tốt để gia tăng vốn.
2. Thời gian: để tăng thời gian đầu tư, bạn nên đầu tư càng sớm càng tốt.
3. Suất thu lợi (đi kèm với rủi ro): bạn phải cân bằng giữa suất thu lợi và rủi ro. Việc này liên quan đến khả năng chấp nhận rủi ro của bạn. Nhưng nguyên tắc chung là thời gian đầu tư càng dài thì khả năng chấp nhân rủi ro càng cao. Ví dụ bạn lên kế hoạch đầu tư để có tiền về hưu. Nếu 40 năm nữa bạn về hưu, bạn có thể đầu tư vào những nơi có suất lợi nhuận cao kèm với rủi ro cao vì thời gian dài sẽ giúp đầu tư của bạn vượt qua những biến động của thị trường. Nếu bạn còn 5 năm nữa về hưu, bạn không muốn có những biến động lớn về số tiền của bạn, bạn nên chuyển về đầu tư vào những nơi có suất thu lợi thấp nhưng ổn định, ít rủi ro.
Thế còn những người giàu thì sao? Bạn có thể bắt chước họ không? Muốn trả lời câu hỏi này bạn phải tìm hiểu tại sao họ giàu. Sau đây là những lý do khiến người khác giàu:
• May mắn. Một số người đầu tư vào những nơi suất thu lợi rất cao kèm với rủi ro rất cao và họ đã may mắn. Ví dụ: trúng số độc đắc. May mắn không thể học được. Có những người “thắng” lớn trong một vài phi vụ và trở nên giàu có. Bạn không thể bắt chước được vì ngay cả họ cũng không lặp lại được những phi vụ đó.
• Thừa kế. Cái này không học được.
• Độc quyền. Như đã bàn ở trên, thế độc quyền làm cho người ta có suất thu lợi cao nhưng rủi ro thấp. Một số thế độc quyền có thể xây dựng được: phát minh, tác phẩm nghệ thuật, công nghệ độc quyền, thương hiệu mạnh, quan hệ xã hội, …
• Theo hướng dẫn ở trên: làm việc chăm chỉ, để dành nhiều tiền, đầu tư từ sớm, và chọn lựa suất thu lợi và mức độ rủi ro hợp lý theo từng giai đoạn. Điều này bạn có thể học được và những điều cơ bản đã được trình bày trong bài này.
Sử dụng những kiến thức trong bài này cũng sẽ giúp bạn phân tích cách làm giàu của người khác để xem bạn có thể học được không và có đáng để học không. Thử phân tích một người siêu giàu, luôn tự hào về điều đó, và viết sách chỉ người khác làm giàu nhé: Donald Trump.
Donald Trump thừa hưởng gia tài từ bố là Fred Trump. Năm 1982, Donald Trump tuyên bố trên báo chí có tổng tài sản nửa tỷ đô. Năm 2015, Donald Trump tuyên bố có tổng tài sản 8.7 tỷ mặc dù Forbes ước tính Trump có khoảng 4.1 tỷ. Cứ cho là Donald Trump nói đúng là hiện giờ ông ấy có 8.7 tỷ, suất thu lợi của ông ấy là: 0.5*(1+x)33 = 8.7 → x = 9%/năm.
Trong khi đó suất thu lợi của S&P 500 (chỉ số chứng khoán 500 công ty lớn nhất ở Mỹ) trung bình trong thời gian đó là 11.86%/năm. Bất kỳ người nào cũng có thể đầu tư vào S&P 500. Giả sử bạn có nửa tỷ giống Donald Trump vào năm 1982 và bạn không làm gì hết, chỉ đầu tư vào S&P 500, năm nay bạn có 0.5*(1+0.1186)33 = 20.2 tỷ, tức là bạn giàu gấp 2.3 lần Donald Trump. Rõ ràng suất thu lợi của Donald Trump quá thấp. Điều mà Donald Trump hơn những người khác là có được nửa tỷ vào năm 1982 (chủ yếu thừa kế từ bố). Tóm lại, nếu bạn có vốn ban đầu giống như Donald Trump, chỉ cần đầu tư vào S&P 500 thì bây giờ bạn giàu gấp 2.3 lần Donald Trump. Không biết mấy người đang du nhập phong trào thu nhập thụ động và làm giàu vào VN có hơn được Donald Trump không nhỉ?
Bài tiếp theo:
Đòn bẩy trong đầu tư tài chính: ai có lợi?
Suất thu lợi: ai có thể làm tốt hơn khỉ?
Tôi có nên tham gia đầu tư tài chính?
Please ‘like’ the Facebook page and select ‘get notifications’ under the ‘liked’ button or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.